Món ăn hấp dẫn tận dụng từ bánh chưng còn thừa sau Tết

1/2/2023  
Bánh chưng sau Tết khả năng cao bị cứng lại do lại gạo vì thời tiết lạnh. Chính vì vậy một loạt giải pháp nấu lại bánh chưng đã ra đời.
PIZZA BÁNH CHƯNG
Thực ra, món ăn này đơn giản là bánh chưng rán giòn, cán mỏng, tạo miếng tròn thành đế pizza. Sau đó thêm các loại topping, phomai vào là thành món bánh chưng phô mai Đông Tây kết hợp.
Nguyên liệu:
- 1/2 bánh chưng thừa (350 gr)
- Phô mai
- Ớt chuông vàng, ở chuông đỏ thái sợi
- Hành lá thái nhỏ; 2 trứng gà;
- 1/2 chén các loại cà rốt, đậu Hà Lan, ngô ngọt luộc sơ.
Cách làm:
Bánh chưng lấy phần nhân thịt và phần vỏ bánh để riêng.
Cho phần vỏ bánh vào âu cùng 1 quả trứng gà và hành lá trộn đều.
Bắc chảo không dính lên bếp, cho vào chút xíu dầu, láng đều. Dầu hơi nóng thì cho phần vỏ bánh trộn trứng vào, dàn đều, chiên khoảng 2 phút với lửa hơi thấp. Sau đó cho hết phần nhân bánh chưng cùng với tất cả rau củ cũng như pho mát vào.
Khoét 1 lỗ tròn ở giữa, đổ 1 quả trứng gà còn lại.
Đậy vung, tiếp tục chiên với lửa thấp cho đế bánh vàng giòn phần trên chín đều (7-8 phút) là tắt bếp, bạn đã có ngay chiếc pizza bánh chưng rồi.
Pizza bánh chưng cho ra đĩa, rắc thêm chút hành lá là hoàn tất.
Chỉ với vài bước đơn giản, bạn đã xử lý được phần bánh chưng thừa sau Tết mà lại có món bánh lạ, ngon miệng cho cả nhà thưởng thức.
 
 
BÁNH CHƯNG BỌC KHOAI RÁN
Bánh chưng vốn là món ăn mặn, có nhân thịt, đậu xanh nhưng bạn hoàn toàn có thể chế biến thành một món ngọt hơn. Bạn hãy tận dụng phần vỏ bánh chưng, bọc thêm khoai lang, cốt dừa rồi chiên lên là được. 
Nguyên liệu:
- 1 cái bánh chưng
- 1 củ khoai lang vàng (~200g)
- 150ml nước cốt dừa
- 50ml nước lọc; 10g bột năng; 20g đường
- 50g lạc
- Hành lá, gia vị
Cách làm:
Cho nước cốt dừa, nước lọc, bột năng, đường vào nồi khuấy đều, bắt lên bếp đun nhỏ lửa đến khi hỗn hợp sôi và sền sệt.
Hành lá thái nhỏ (khoảng 1/2 bát). Đun 1/3 bát dầu ăn sôi bốc khói rồi đổ vào bát hành để làm mỡ hành. 
Khoai bào vỏ, thái nhỏ cho vào nồi luộc chín, đổ ra rổ để ráo.
- Cho vào khoai 1/2 thìa cafe muối, 1 thìa cafe đường, 1 thìa cafe mỡ hành. 
- Bạn đeo găng tay nilon bóp cho khoai nát và ngấm đều gia vị.
Lạc rang chín, bóc vỏ, giã nhỏ. Bánh chưng thái lát cho vào nồi hấp cách thuỷ cho mềm.
Cho bánh đã hấp mềm vào túi nilon. Xả khăn sạch vắt ráo rồi bọc khăn bên ngoài túi bánh, nhồi bánh như nhồi bột bánh mì,  nhồi đến khi nếp quyện nhau thành một khối mịn dẻo là được.
Chuẩn bị một tấm nilon sạch. Dàn nếp lên tấm nilon thành hình chữ nhật.
Trét khoai lên trên nếp rồi cuộn lại đem rán ngập dầu. Khi nếp giòn và vàng đều vớt ra đặt lên giấy thấm dầu. Dùng kéo cắt bánh thành khối vuông nhỏ, rưới nước cốt lên mặt bánh rồi đến mỡ hành, sao cùng là lạc rang giã nhỏ.
Từng miếng bánh khoai trong dẻo ngoài giòn, bùi vị khoai, bao trùm vị béo của nước cốt dừa, thơm hương lạc rang và nếp rán giòn, lại còn chan thêm mỡ hành rất hấp dẫn.
 
 
 
BÁNH CHƯNG RÁN THƯỜNG
Bánh chưng rán có lẽ là món ăn quốc dân của các gia đình Việt sau Tết. Bánh chưng sau tết bị cứng, lại gạo nên chỉ còn cách rán lên ăn ấy vậy mà món này lại trở nên ngon tuyệt.
Nguyên liệu:
- Bánh chưng
- Dầu ăn
- Dưa hành, dưa kiệu hoặc dưa muối ăn kèm...
Cách làm:
Bánh chưng cắt miếng vừa ăn, độ dày tùy theo sở thích.
Làm nóng một ít dầu ăn trong chảo, sau đó cho bánh chưng vào rán ở mức lửa trung bình. Không để lửa quá to làm cháy nhân bánh.
Khi mặt dưới vàng giòn thì lật bánh, rán tiếp mặt còn lại cho đến khi vàng giòn như ý thì cho ra đĩa ăn cùng tương ớt với các loại dưa muối. Lưu ý, trong quá trình rán, hạn chế lật làm nát nhân bánh.
 
 
BÁNH CHƯNG RÁN NƯỚC LỌC
Nguyên liệu:
- 1 cái bánh chưng hoặc những miếng bánh chưng thừa
- Nước lọc
- Chảo chống dính
Cách làm:
- Đổ nước lọc vào chảo (sao cho lượng nước lọc xâm xấp bánh chưng).
- Cho từng miếng bánh chưng vào và bật bếp đun với lửa vừa. Khi nước sôi còn 1 nửa thì hạ lửa nhỏ, dùng thìa dằm bánh chưng cho bở đều ra. Dàn mỏng bánh chưng thành 1 lớp mỏng tráng chảo.
- Khi thấy nước đã cạn gần hết, bánh chưng đã thành 1 lớp kết dính chặt với nhau thì lật mặt bánh. Chiên cho đến khi bánh chưng vàng giòn đều 2 mặt là được.
- Cho bánh chưng rán xong ra đĩa, dùng dao hoặc kéo cắt bánh thành từng miếng vừa ăn.
Bánh chưng rán bằng nước lọc vàng giòn, bánh mềm trong, giòn ngoài chấm cùng với tương ớt hoặc tương cà rất ngon. Món bánh chưng rán bằng nước lọc này cũng có thể ăn cùng với kim chi hay dưa chua rất cũng giúp cân bằng được vị, giúp ăn không bị ngán.
Lưu ý khi làm bánh chưng rán bằng nước lọc:
- Cần rán trên chảo chống dính để bánh không bị vỡ, bị sát chảo làm mất thẩm mỹ.
- Lượng nước để rán bánh đổ xâm xấp mặt bánh, không nên đổ nhiều nước quá bánh bị nát, đổ ít nước quá bánh chưa ngấm đủ nước sẽ khó bở ra khi dằm.
 
 
BÁNH CHƯNG NƯỚNG
Nguyên liệu:
- Bánh chưng 1 cái
- Trứng gà 4 quả
- Chả lụa: nửa cây
- Bột mì 100g
- Nước mắm
- Hạt nêm, tiêu 
- Bơ 10g
Cách làm:
- Làm mềm bơ ở nhiệt độ phòng. Cắt bánh chưng làm 5 miếng theo chiều dọc rồi lột bỏ lá ngoài. Cho 2 quả trứng gà vào tô, nêm thêm nước mắm, hạt nêm rồi đánh thật đều. Giò lụa hay còn gọi là chả lụa, bạn thái chỉ. Bột mì để trong 1 cái tô riêng.
- Lấy một khoanh bánh chưng lăn qua bột mì cho phủ đều, nhúng vào tô trứng. Tương tự chả lụa cũng làm như vậy. Tiếp tục trang trí chả lụa lên bánh chưng theo ý thích, rắc hạt tiêu lên trên. Làm nóng lò ở mức 200 độ, cho bánh chưng nướng trong lò khoảng 30 phút. Khi nướng bánh chưng khoảng 25 phút thì lấy bánh chưng ra phết một lớp bơ mỏng rồi cho vào nướng tiếp 15 phút nữa (giúp bánh chưng nướng giòn và béo thơm hơn).
- Bánh chưng nướng xong lấy ra khỏi lò, đặt vào đĩa. Không nên nêm gia vị quá mặn vì món bánh chưng nướng này phải chấm thêm với nước tương hoặc nước mắm củ kiệu sẽ ngon hơn rất nhiều. Bạn có thể ăn kèm bánh chưng nướng với tương ớt nếu thích.
 
 
 
 

 

Click để xem chiết khấu, quà tặng, chương trình khuyến mãi của bếp từ bosch.